10 biện pháp phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường
Ngày: 04/06/2021 lúc 10:37AM
Tiểu đường là một căn bệnh nghiêm trọng, đòi hỏi người bệnh phải theo dõi và cam kết tuân thủ đúng theo kế hoạch điều trị. Chăm sóc bệnh tiểu đường thực sự rất quan trọng, giúp bạn tránh khỏi nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của mình.
Dưới đây là 10 biện pháp đóng vai trò tích cực trong việc chăm sóc bệnh tiểu đường và giúp bạn có một tương lai khỏe mạnh hơn.
1. Cam kết kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn
Bác sĩ, nhân viên y tế và các chuyên gia dinh dưỡng là những người có thể giúp bạn tìm hiểu những điều cơ bản về chăm sóc bệnh tiểu đường cũng như hỗ trợ bạn trong quá trình kiểm soát bệnh.
Hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể về bệnh tiểu đường, xây dựng một chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể chất hàng ngày và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Theo dõi lượng đường trong máu và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát hợp lý. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và trao đổi với đội ngũ tư vấn sức khỏe của bạn khi cần sự trợ giúp.
2. Không hút thuốc
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 và gặp các biến chứng tiểu đường khác nhau, bao gồm:
Giảm lưu lượng máu ở chân và bàn chân, có thể dẫn đến nhiễm trùng, loét, thậm chí phải cắt bỏ một phần
Bệnh tim mạch
Đột quỵ
Tổn thương mắt, có thể dẫn đến mù lòa
Bệnh thần kinh
Bệnh thận
Tử vong sớm
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc ngừng hút thuốc.
3. Kiểm soát huyết áp và cholesterol máu
Giống như bệnh tiểu đường, huyết áp cao có thể làm tổn thương các mạch máu. Cholesterol cao cũng là một vấn đề đáng quan tâm vì nó thường làm trầm trọng hay diễn biến nhanh hơn bệnh tiểu đường. Tình trạng này có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và các vấn đề đe dọa tính mạng khác.
Một chế độ ăn lành mạnh, giảm mỡ và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp và cholesterol ở mức khỏe mạnh. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc để điều trị trong trường hợp cần thiết.
4. Khám sức khỏe và kiểm tra mắt thường xuyên
Hãy lên lịch kiểm tra 2-4 lần tình trạng bệnh tiểu đường của bạn mỗi năm, song song đó là kiểm tra sức khỏe mắt.
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ có thể hỏi về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của bạn và kiểm tra bất kỳ dấu hiệu biến chứng nào liên quan đến bệnh tiểu đường - bao gồm các tổn thương thận, tổn thương thần kinh và bệnh tim - và sàng lọc các vấn đề sức khỏe khác.
Thêm vào đó, mắt của bạn sẽ được kiểm tra các dấu hiệu tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
5. Cập nhật thông tin về vaccin
Bệnh tiểu đường làm cho cơ thể dễ mắc một số bệnh nhất định, vaccin có thể giúp ngăn ngừa chúng. Bạn nên tìm hiểu về một số vaccin thông thường như:
Vaccin cúm: ngăn ngừa virus cúm, giúp bạn bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trogj trong mùa cúm.
Vaccin viêm phổi: vaccin viêm phổi thông thường chỉ cần một lần tiêm. Ở những bệnh nhân bị biến chứng tiểu đường hoặc từ 65 tuổi trở lên có thể cần tiêm tăng cường.
Vaccin viêm gan B: vaccin viêm gan B được khuyến cáo cho người mắc bệnh tiểu đường dưới 60 tuổi chưa từng được tiêm vaccin. Nếu bạn trên 60 tuổi, hãy trao đổi với bác sĩ để xem việc tiêm vaccin còn phù hợp hay không.
Các loại vaccin khác: vaccin uốn ván nên được chú ý (thường tiêm nhắc lại mỗi 10 năm). Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn sử dụng các loại vaccin khác.
6. Chăm sóc răng miệng
Bệnh tiểu đường có thể làm nướu răng dễ bị viêm nhiễm. Bạn cần chú ý đánh răng ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng có fluoride, xỉa răng mỗi ngày một lần và lên lịch khám nha khoa ít nhất hai lần một năm. Đến phòng khám ngay khi nướu của bạn gặp tình trạng chảy máu hoặc sưng đỏ.
7. Chú ý đến bàn chân của bạn
Bàn chân của bệnh tiểu đường có thể bị đau, ngứa ran hoặc mất cảm giác. Lượng đường trong máu cao làm giảm lưu lượng máu, thậm chí làm hỏng các dây thần kinh ở bàn chân. Nếu không được điều trị, vết thương và mụn nước xuất hiện có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Để ngăn ngừa các vấn đề về bàn chân, bạn nên chú ý:
Rửa chân hàng ngày trong nước ấm. Tránh ngâm chân, vì điều này có thể làm da khô.
Làm khô chân nhẹ nhàng, đặc biệt là giữa các ngón chân.
Giữ ẩm cho bàn chân và mắt cá chân bằng kem dưỡng da. Không dùng kem ở các đầu ngón chân
Kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện vết chai, mụn nước, vết loét, đỏ hoặc sưng.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có một vấn đề khác mà không có biểu hiện chữa lành trong vòng một vài ngày. Nếu bạn bị loét bàn chân hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
Không đi chân trần, trong nhà hoặc ngoài trời.
8. Cân nhắc việc dùng aspirin hàng ngày
Nếu bạn bị tiểu đường và có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như thói quen hút thuốc hoặc huyết áp cao, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng aspirin liều thấp mỗi ngày để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu bạn không có các yếu tố nguy cơ tim mạch, nguy cơ chảy máu có thể xảy ra khi sử dụng aspirin. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất cho tình trạng của bản thân.
9. Cân nhắc việc tiêu thụ rượu
Rượu có thể làm cho lượng đường trong máu cao hay thấp tùy thuộc vào lượng bạn tiêu thụ. Bạn chỉ nên tiêu thụ rượu mức độ vừa phải, thường không quá một ly mỗi ngày cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi và hai ly mỗi ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống.
Uống rượu nên kèm với bữa ăn hoặc ăn nhẹ. Ngoài ra, hãy lưu ý rằng, rượu có thể dẫn đến hạ đường trong máu đặc biệt đối với những người sử dụng insulin.
10. Quản lý stress
Căng thẳng, stress ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh tiểu đường của bạn. Để kiểm soát căng thẳng, hãy chia nhỏ và sắp xếp các công việc hợp lý, có mục tiêu rõ ràng. Suy nghĩ tích cực, dành thời gian để thư giãn, tâm sự chia sẻ. Cố gắng duy trì một giấc ngủ ngon.
Bạn đã sẵn sàng “chiến đấu” với bệnh tiểu đường để đứng trên con đường đi đến một cuộc sống năng động, khỏe mạnh rồi chứ?
Nguồn: Mayo Clinic
Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:
Diabetes care: 10 ways to avoid complications - Mayo Clinic
American Diabetes Association Standards of Medical Care in Diabetes 2017 - PubMed (nih.gov)
Smoking and Diabetes | Overviews of Diseases/Conditions | Tips From Former Smokers | CDC
Overview of general medical care in nonpregnant adults with diabetes mellitus - UpToDate
Diabetes, Gum Disease, & Other Dental Problems | NIDDK (nih.gov)
Foot Complications | ADA (diabetes.org)
Tips for Diabetic Foot Care (aofas.org)
Exploring correlates of diabetes-related stress among adults with Type 1 diabetes in the T1D exchange clinic registry - PubMed (nih.gov)