Nên chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học cho làn da của bạn?

Ngày: 18/11/2020 lúc 15:56PM

Bạn đang phân vân giữa hai loại kem chống nắng vật lý và hóa học? Liệu sử dụng kem chống nắng chứa hóa chất có thực sự bảo vệ cho da của bạn hay nó còn tiềm ẩn một mối nguy hại nào đó mà bạn chưa biết?

Mục đích chính của việc sử dụng kem chống nắng đó là bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Có hai loại kem chống nắng phổ biến là kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý. Dĩ nhiên, mỗi loại lại có thành phần và cơ chế bảo vệ làn da của bạn khác nhau. 

Vậy loại kem chống nắng nào là phù hợp với bạn? 

 

 

Kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng vật lý (Kem chống nắng khoáng chất)

Các chất ngăn ngừa tia UV vật lý, hay còn gọi là kem chống nắng khoáng chất, được sản xuất với các thành phần khoáng hoạt tính của titanium dioxide và/hoặc oxit kẽm. Những thành phần này hoạt động như một lớp bảo vệ phủ lên trên da để làm lệch hướng và phân tán các tia nắng mặt trời có hại. Kem chống nắng loại này với 100% khoáng chất không ở dạng nano giúp bảo vệ da mà không xâm nhập vào da, vì vậy cơ thể chúng ta không hấp thụ chúng. Công thức kem chống nắng vật lý sẽ phù hợp hơn với những bạn có làn da nhạy cảm hoặc không muốn sử dụng các hóa chất tổng hợp trong việc chăm sóc da.

Kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng hóa học sẽ chứa các chất chặn tia UV hóa học gồm các hợp chất hữu cơ, ví dụ như oxybenzone và avobenzone. Trong thể thao thì loại kem chống nắng này hay được sử dụng vì chúng hấp thụ dễ dàng hơn và có tác dụng kéo dài hơn. Có một điều cần lưu ý đó là khi thoa thì hoạt chất SPF trong các loại kem chống nắng hóa học đã bắt đầu phát huy tác dụng nhưng có thể phải mất đến 20 phút để chúng thẩm thấu hoàn toàn vào da của bạn.

Kem chống nắng hóa học phát huy tác dụng bằng cách tạo ra phản ứng hóa học tại nơi nó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong quá trình phản ứng này, tia UV được hấp thụ bởi các hợp chất chống nắng trên da. Sau đó, chúng được chuyển đổi thành nhiệt và giải phóng khỏi cơ thể. Cơ chế hoạt động này sẽ giúp bạn cảm thấy mát mẻ trên da khi sử dụng kem chống nắng, khá tuyệt phải không nào? Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã có lợi cho sức khỏe của bạn. Một nghiên cứu năm 2019 tiết lộ rằng khi bạn thoa kem chống nắng hóa học, bạn cũng có thể hấp thụ các thành phần của nó vào máu ở nồng độ cao. Điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả đó là những hóa chất này có khả năng (nhưng không chắc chắn) khiến bạn có nguy cơ bị mất cân bằng nội tiết tố.

 

 

Kết luận sau nghiên cứu

Nghiên cứu nói trên đã được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2019. Nó đánh giá sự hấp thụ toàn thân (qua da và vào cơ thể) của các thành phần chống nắng hoạt tính hóa học phổ biến như là avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule. Khá là dễ hiểu khi kết quả của nghiên cứu này được công bố đã nhận được sự quan tâm đáng kể và gây ra cả những hiểu nhầm. 

Nghiên cứu lâm sàng là tiến hành một thử nghiệm sử dụng tối đa (MUsT). Đây là một cách tiếp cận để đánh giá sinh khả dụng hoạt tính của các sản phẩm bôi ngoài da. Các đối tượng nghiên cứu bôi kem chống nắng trên 75% cơ thể của họ ít nhất bốn lần một ngày trong bốn ngày. Sau đó, họ trải qua một tuần kiểm tra trong phòng thí nghiệm để kiểm tra mức độ hấp thụ hóa chất. Kết quả cho thấy không mất quá một ngày thoa kem chống nắng để nồng độ trong máu có dấu hiệu tiếp xúc với hóa chất. Trong nhiều ngày, nồng độ hóa chất trong máu vượt quá giới hạn mà FDA khuyến cáo. Những phát hiện này đã khiến FDA yêu cầu các nhà sản xuất phải kiểm tra thêm các hóa chất này trước khi chúng được “công nhận là an toàn” (GRAS).

Vậy kem chống nắng hóa học có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn không? 

Nếu cơ thể bạn hấp thụ các hóa chất trong kem chống nắng, chúng sẽ lưu thông trong mạch máu của bạn. Về cơ bản thì các hóa chất này sẽ đến được tất cả các bộ phận và cơ quan trong cơ thể. Máu bị nhiễm hóa chất có thể làm sữa mẹ, nước tiểu và các mô của cơ thể bị nhiễm độc. Nhưng liệu có phải những hóa chất này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn không? Một số người thì nói có, trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng vì các nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được tiến hành.

Tuy nhiên, oxybenzone lại là một chất gây rối loạn nội tiết. Cụ thể thì nó tương tự như estrogen và có thể là “thủ phạm” của vô số biến chứng nội tiết tố. Một số vấn đề mà oxybenzone gây ra đã được ghi nhận trong các báo cáo bao gồm dậy thì muộn ở thanh thiếu niên, các vấn đề sinh sản ở nữ và tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra, nghiên cứu trên môi trường cho thấy một số hóa chất nguy hiểm đối với sinh vật biển, cụ thể là oxybenzone sẽ tẩy trắng và giết chết rạn san hô. Tất cả những mối nguy này đã khiến Hawaii phải ký dự luật cấm bán kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate. Rõ ràng, đó là lệnh cấm đầu tiên trên thế giới đối với các sản phẩm được coi là an toàn cho người sử dụng. 

 

 

Cách sử dụng kem chống nắng thông minh, an toàn cho sức khỏe làn da 

Nếu tất cả thông tin vừa rồi về kem chống nắng khiến bạn bối rối, đừng lo lắng vì có rất nhiều người cũng như bạn đó. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần có nhiều nghiên cứu hơn để chỉ ra chính xác kem chống nắng hóa học có gây hại đối với sức khỏe của chúng ta hay không. Trong lúc đó, chúng ta vẫn nên tiến hành các biện pháp thông minh giúp bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời để ngăn ngừa cháy nắng và ung thư da nhờ những cách dưới đây nhé:

Không nhất thiết phải tăng mức SPF

Bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn, kem chống nắng vẫn rất cần thiết cho sức khỏe và làn da của bạn. Sử dụng kem chống nắng làm giảm nguy cơ phát triển ung thư da và các biến chứng khác liên quan đến tia cực tím. Nếu bạn đang lo lắng về các thành phần có thể gây hại trong kem chống nắng hóa học, hãy chọn các công thức kem chống nắng vật lý. Thành phần kẽm oxit và titanium dioxide là sự lựa chọn an toàn cho bạn. Các bác sĩ da liễu khuyên bạn nên sử dụng từ SPF 15 trở lên để chống lại tia UVB. Thêm vào đó, họ cũng khuyên bạn nên dùng ở mức SPF 30. 

Có một hiểu lầm là chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ càng lớn tuy nhiên các sản phẩm có SPF từ 30 đến 50 thì thường khả năng bảo vệ sẽ không quá chênh lệch nhau. Vì vậy, bạn không bắt buộc phải tăng mức SPF cho sản phẩm của bạn vì nồng độ SPF cao hơn đôi khi có thể gây nên kích ứng. Bạn nên bắt đầu sử dụng kem chống nắng bằng cách thử thoa một lượng nhỏ lên cổ tay trước. 

Hãy chọn công thức kem chống nắng phù hợp với loại da của bạn

Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy nhớ kiểm tra thông tin in trên nhãn sản phẩm để xem sản phẩm đó có chứa các thành phần gây kích ứng hay không. 

Nếu da của bạn dễ bị/đang bị mụn trứng cá, hãy tìm những công thức kem chống nắng không gây mụn, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Loại da này cần tránh các thành phần bao gồm bơ ca cao, dầu đậu nành, chất làm mềm và hương liệu. 

Bảo quản kem chống nắng nơi mát mẻ

Tránh để kem chống nắng của bạn dưới ánh nắng trực tiếp hoặc trong môi trường cao hơn nhiệt độ phòng (ví dụ: trong xe hơi lúc trời nóng). Các thành phần của kem chống nắng có thể mất tác dụng và hỏng, đặc biệt nếu chúng không chứa chất bảo quản.

Tránh tia UV có hại

Bên cạnh việc sử dụng kem chống nắng, bạn hãy sử dụng cả các hình thức khác để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời, ví dụ như đội mũ, đeo kính râm và cố gắng hoạt động trong những vùng bóng râm để giúp làn da (và mái tóc) của bạn được bảo vệ.

 

 

Bổ sung dưỡng chất để ngăn ngừa và phục hồi tổn thương do tia cực tím

Các thực phẩm chức năng có thể cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung chống lại tác hại của tia UV. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng polypodium leucotomos hàng ngày có thể giúp giảm đáng kể các đám da bị cháy nắng. Hơn nữa, nó cũng có thể giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa do ánh sáng. Chính vì kem chống nắng có thể mất tác dụng trong vòng vài giờ sau khi thoa nên những thực phẩm chức năng như vậy rất giúp ích khi được thêm vào “kho vũ khí” chăm sóc da của bạn đó!

Nguồn: humnutrition.com

Tài liệu tham khảo từ các nghiên cứu trên thế giới:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4345929/

https://oceanservice.noaa.gov/news/sunscreen-corals.html

https://www.niehs.nih.gov/health/materials/endocrine_disruptors_508.pdf

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2214750017300288

https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/2733085

https://www.humnutrition.com/blog/chemical-vs-physical-sunscreen/

Thu Mai
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục

        Dược sĩ tư vấn